Monday, February 2, 2009

Nhật ký nuôi bệnh - Kỳ 6: Căn bệnh kỳ lạ ,






medium_vn_010209_nhatky_6.jpg

Hình chụp một phòng bệnh thuộc một bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội. Tuy có vẻ khá sạch sẽ nhưng các thiết bị y tế như giường, bình oxy... vẫn rất cũ kỹ, không vệ sinh.


LTS: Vì nhiều lý do, hệ thống bệnh viện ở Việt Nam đã, đang và có lẽ sẽ còn là “ác mộng” của mọi người, mọi giới (cả giàu lẫn nghèo).

Xưa, cổ nhân bảo “vô phúc đáo tụng đình”. Nay, dưới thời đại “xã hội chủ nghĩa”, “đáo” đâu cũng là “vô phúc”, kể cả những nơi vốn rất cần sự tận tâm, nhân ái như bệnh viện.

“Nhật ký nuôi bệnh” là một loạt bài 6 kỳ, được viết riêng cho Người Việt, nhằm giúp độc giả Người Việt hiểu hơn về những vấn nạn của hệ thống bệnh viện tại Việt Nam.

Kỳ 6: Căn bệnh kỳ lạ

Việt Bảo

Ba tôi nằm bệnh viện đã được hai tuần. Ông phải vào bệnh viện vì hay sốt ban đêm, ớn lạnh, ra mồ hôi, người bủn rủn. Tại bệnh viện, bác sĩ cho siêu âm. Rồi họ khám và cho uống thuốc đều đặn nhưng ba tôi vẫn sốt, vẫn ra mồ hôi, ớn lạnh và người bủn rủn. Cả đêm ba tôi hết đắp chăn lại bật quạt, không ngủ nên mỗi sáng ông cụ mệt nhừ...

Sau một tuần, nóng ruột, tôi hỏi bác sĩ. Bác sĩ tỏ ra rất sốt sắng, lại cặp nhiệt, đo huyết áp. Huyết áp và nhiệt độ bình thường, không thấy sốt ngay cả khi ba tôi kêu trong người đang nóng bừng và mồ hôi vã ra như tắm. Bác sĩ phỏng đoán, chắc hạ đường huyết, dặn khi nào những dấu hiệu đó trở lại thì cho ba tôi uống sữa, hay ăn ngọt...

Tôi tiếp tục thức cả đêm trông coi ông cụ thêm một tuần. Tuần thứ hai cũng vậy. Cứ từ 12 giờ đêm đến chừng 4 giờ sáng là ba tôi có những triệu chứng bất thường như đã kể. Theo y lệnh của bác sĩ, tôi ép ba tôi uống sữa. Hai ngày đầu, uống xong sữa, ông cụ cảm thấy bớt nóng trong người, ngủ được một chút nhưng sau đó, “liệu pháp sữa” hết hiệu quả. Bệnh tình của ba tôi có dấu hiệu trầm trọng hơn. Trong khi đó, bác sĩ vẫn khăng khăng ông bị hạ đường huyết. Còn thực tế cho thấy các loại thực phẩm ngọt, nhiều đường như: sữa, bột bắp, bột đậu nành, bột đậu xanh... không có tác dụng.

Tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của bác sĩ. Một ông cụ 82 tuổi, một đêm phải uống sữa ba lần rồi đi tiểu thì bụng nào chứa nổi, vả lại đường huyết có thể hạ nhanh đến như vậy và chỉ hạ về đêm. Chưa kể trong ngày, ông cụ vẫn ăn uống được, thực đơn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết...

Bác sĩ bắt ba tôi đi siêu âm lần nữa. Mọi thứ vẫn như trước, không có gì bất thường. Chẳng lẽ ba tôi mắc bệnh nan y mà y học chưa biết?

Thân nhân, bạn bè bắt đầu hối thúc tôi mang ông cụ vào Sài Gòn nhưng ông cụ không chịu. Ông muốn được chết ở quê. Vì vậy, cứ chuẩn bị xong mọi thứ để hôm sau lên đường là đêm đó, ông cụ lên cơn đau tim...

Tôi bắt đầu tuyệt vọng. Thêm một tuần nữa, nghĩa là đã ba tuần ở bệnh viện mà bác sĩ vẫn chưa định được ra bệnh. Sang tuần thứ tư, ông bác sĩ trưởng khoa, người quen của bạn tôi đưa vợ đi chữa bệnh ở nước ngoài quay về. Do có người gửi gắm, ông vào thăm bệnh cho ba tôi và yêu cầu xét nghiệm phân.

Ngày hôm sau, ông tạt vào báo: Ba tôi chỉ bị viêm bao tử, cần ăn những món dễ tiêu, mát...

Nhưng chuyện tới đó chưa hết. Sau nhiều ngày uống thuốc hỗ trợ tiêu hóa, ba tôi và một bác nữa trong phòng vẫn bị khó tiêu, mệt mỏi. Tôi bắt đầu để ý tới chuyện phát thuốc của các cô y sĩ. Một hôm, tôi cầm gói thuốc cô y sĩ vừa phát, đọc kỹ và giật mình, trên gói thuốc có dán hướng dẫn, yêu cầu phải uống vào sáng sớm hoặc trước bữa ăn nhưng loại thuốc đó thường chỉ được phát vào khoảng 9 giờ sáng, lúc đa số bệnh nhân đã ăn sáng xong. Chưa kể, các cô y sĩ thường tự tay đổ thuốc ra, buộc bệnh nhân uống liền trước mặt mình nên cả người bệnh lẫn thân nhân đều không biết bác sĩ dặn dò dùng thuốc thế nào... Hèn gì mà ba tôi liên tục uống thuốc liều cao không có tác dụng. Sau hôm đó, tôi phải tìm mọi cách giữ thuốc lại để cho ba tôi uống như bác sĩ yêu cầu. Chỉ hai ngày, những triệu chứng bất thường về bao tử của ba tôi giảm hẳn...

Tuy dạ dày của ba tôi đã ổn nhưng chứng nóng lạnh giữa đêm vẫn chưa hết hẳn. Tôi gặp may lần hai. Một người bạn là bác sĩ từ Sài Gòn về tạt vào thăm nhằm lúc bác sĩ đang khám cho ba tôi. Sau đó nó mời vị bác sĩ vốn chẳng xa lạ gì với nó ra ngoài trò chuyện, tôi ý tứ lánh sang một bên và loáng thoáng nghe nó nói gì đó tới thần kinh thực vật...

Chiều đó, trong số thuốc ba tôi phải uống có thêm hai viên thuốc mới và lần đầu tiên trong suốt cả tháng nằm bệnh viện, đêm đó, ba tôi ngủ yên, không bị nóng lạnh bất thường nữa.

Hai ngày sau, thằng bạn của tôi gọi điện thoại hỏi thăm xem ba tôi đỡ chưa. Nó không phê phán đồng nghiệp nhưng nghe kiểu nó nói thì ba tôi bị rối loạn thần kinh thực vật thôi. Vài ngày sau, ba tôi xuất viện. Còn tôi thì hoang mang tợn bởi thằng bạn tôi là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chứ không phải... tim mạch!

***

Nhật ký nuôi bệnh của tôi đến đây là hết. Thật ra, sau đó, ba tôi còn quay trở lại bệnh viện một lần nữa nhưng lần này chúng tôi đã có kinh nghiệm nên đưa ngay ông cụ vào bệnh viện tư. Ở đó, phòng bệnh không “sang hết ý” nhưng bác sĩ không phải là “bác sĩ Ấn Ðộ” (ấn ấn rồi độ độ), y sĩ và y tá cũng không giống như y sĩ và y tá ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Tôi không kể tên bệnh viện đa khoa tỉnh nào vì đây là tình trạng chung. Quý vị không tin xin mời hãy... thử!

No comments: