Hai người chở nhau trên xe gắn máy đi ngang một tấm bảng tuyên truyền nam nữ bình đẳng và chống bạo lực gia đình nhắm vào phụ nữ ở Hà Nội. (Hình: AFP/Getty Images)
|
| NINH BÌNH 11-1 (TH) - Theo một cuộc nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ công bố hồi Tháng Chín 2008, ít nhất, bạo lực gia đình xảy ra tại 21% các gia đình Việt Nam, trong đó, phụ nữ là nạn nhân. Theo đó, con số nạn nhân mỗi năm lên hàng triệu người và chuyện này cứ tái diễn từ ngày này sang tháng khác chứ không phải mỗi năm một lần. Có những bài báo tường thuật cho thấy người vợ không những đã bị chồng đánh, lại còn bị nhốt vào cũi chó để làm nhục. Nhưng hôm Chủ Nhật 11 Tháng Giêng 2009, báo Tiền Phong kể cho hay, giữa những tin tức bất nhẫn đó, có một tin cho thấy một nhóm người đi ngược trào lưu xã hội ở tỉnh Ninh Bình khi thành lập “Câu lạc bộ Thôi Ðánh Vợ”. “Tình hình dạo này thế nào? Có thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ không?” - một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Thôi Ðánh Vợ (xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) thường bắt đầu từ những câu hỏi thân mật như thế.” Báo Tiền Phong mở đầu bài ký sự. Cái “Câu lạc bộ Thôi Ðánh Vợ” này không phải mới xuất hiện. Nó đã được hơn ba tuổi rồi nhưng lại không được nổi danh. Họ khiêm tốn? Hay mắc cỡ vì trái với bản tính coi chuyện đánh vợ là chuyện bình thường? Ít nhất, người ta biết rằng hầu hết thành viên của hội là những đức lang quân tuy trẻ nhưng đã có thành tích bạo lực gia đình. Vợ họ hẳn đã bươu đầu sứt trán vì những cơn bực tức nào đó có thể sau một chầu ma men đưa lối dẫn đường. “Nhiều người trước đây đánh vợ dã man lắm! Nhà cầm quyền can thiệp cũng chẳng ăn thua gì. Cán bộ đến nhà vận động còn bị mấy ông này vác gậy đuổi đánh.” Bà Trần Thị Luyến, hội trưởng phụ nữ xã Liên Sơn cười cười kể lại. Theo bài ký sự của Tiền Phong “Sau nhiều lần áp dụng các biện pháp hòa giải không thành, hội phụ nữ xã quyết định lấy độc trị độc”. Tờ báo nói “Những thành phần bất hảo nhất được mời đến trụ sở ủy ban nhân dân xã làm công tác tư tưởng và bàn kế hoạch chuẩn bị cho ra đời một câu lạc bộ đặc biệt. Anh Lương Tất Trường, ở thôn 2, ‘vốn nổi tiếng rượu chè, nhậu nhẹt và đánh vợ. Hầu như ngày nào nhà anh cũng xảy ra xô xát.’” Bằng giọng cởi mở, Trường vui vẻ kể về các lần bị nhóm phụ nữ thuyết khách: “Lúc đầu nghe mấy chị hội phụ nữ vận động, tức quá định bỏ về. Nán lại càng nghe càng thấy có lý nên quyết định gia nhập câu lạc bộ xem thế nào”. “Các ông khi nghe nói đến câu lạc bộ đều rất ngại. Có người hùng hổ đuổi tôi về, bảo là nhúng mũi vào việc người khác, chọc gậy bánh xe” - Anh Trường kể. Ai vẫn cứ cãi, anh đưa Luật bình đẳng giới & Phòng chống bạo lực gia đình ra dọa. Theo tờ báo, nhiều ông xưa nay quen thói gia trưởng, cứ mặc sức hành hạ vợ con và hồn nhiên cho rằng mình có quyền đó. Ðến lúc giở luật ra mới ngã ngửa là mình vi phạm. Tờ Tiền Phong kể tiếp: “Cuối cùng 12 ông chồng thường đánh vợ trong xã Liên Sơn tập hợp lại trong câu lạc bộ Thôi Ðánh Vợ.” Thời gian rảnh rỗi, mấy anh em lại ngồi với nhau phân tích những điều hơn thiệt, cư xử sao cho đúng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhà cầm quyền xã Liên Sơn sắp xếp cho họ một phòng họp để sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ và mời chuyên gia ở Hà Nội về nói chuyện. Trước đây, Phạm Bá Linh ở xóm 5 là con ma men có tiếng. Vợ anh ngậm ngùi kể lể: “Trước đây, hầu như ngày nào anh ấy cũng say, về nhà lèm nhèm chửi đánh vợ con, quăng quật đồ đạc, chẳng chịu làm ăn gì. Lắm lúc nghĩ cực thân, định bỏ chồng cho rồi”. Éo le nhất là hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Liêm (xóm 8). Vợ anh bỏ vào Nam với đứa con gái đầu, vì quanh năm oằn lưng chịu đòn. Anh em trong câu lạc bộ khuyến khích anh Liêm, khuyên anh sửa sai, rồi từ từ chị sẽ hiểu. Giờ anh đang là thành viên tích cực, hằng ngày vận động các anh em hối cải. “Mong vợ sẽ tha thứ cho tôi và sớm trở về đoàn tụ” - Anh Liêm ân hận. Theo tờ báo, nhờ sự hối cải và tích cực của các hội viên nói trên, hội “Thôi Ðánh Vợ” có dấu hiệu hoạt động ngày một “khởi sắc”. |
No comments:
Post a Comment