Friday, January 9, 2009

Hội thi gói bánh chưng, bánh dày


Bánh chưng, bánh dày là hai loại bánh gắn liền với sự tích về vị Hoàng tử Lang Liêu (con vua Hùng thứ sáu), người đã sáng tạo ra hai loại bánh dâng lên vua cha và được vua cha thích nhất, hơn hẳn các thứ sơn hào hải vị của các hoàng tử khác mang dâng vua cha. Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho trái đất, do vậy, nó được dùng để cúng tổ tiên, lễ mừng thọ, lễ cưới, ngày vui, ngày tết dân tộc.

Giã bánh

Đến nay, tại một số làng quê trên đất nước ta còn giữ phong tục thi gói bánh chưng trong các ngày hội, ngày lễ đặc biệt phải nói đến là vùng quê Việt Trì. Năm nào cũng vậy, ở đây cũng tổ chức cuộc thi gói bánh chưng để chọn xem ai là người gói nhanh nhất, đẹp nhất. Người đến dự thi đều có những bí quyết riêng của mình để gói bánh làm sao vừa nhanh, lại vừa đẹp. Họ là những người "khéo tay, hay làm". Nhìn họ gói bánh như những "nghệ sĩ" trên sân khấu, có người chỉ với dụng cụ đơn giản như chiếc đũa, chiếc que trên tay, thoắt cái chiếc bánh chưng đã được làm ra trông rất vuông vắn, gọn gàng, lại vuông thành sắc cạnh, họ không cần dùng đến những khuôn mẫu làm bánh mà sản phẩm làm ra vẫn rất đẹp.

Nấu xôi

Bánh dày cũng là loại bánh được dâng cúng vào ngày lễ. Nguyên liệu làm bánh cũng được người dân chọn lựa một cách kỹ càng như gạo phải là nếp cái hoa vàng mẩy và đều nhau tăm tắp. Nước ngâm gạo đồ xôi phải lấy từ sông Hạc Trì. Có vậy, chiếc bánh làm ra mới trắng, dẻo và thơm ngon.

Tất cả đều chiến thắng

Dù ở mỗi vùng, mỗi miền có những nét khác nhau, nhưng tựu trung lại, cuộc thi gói bánh chưng, bánh dày này nói lên ý nghĩa trọng nông, quý hạt gạo, hạt cơm, tấm bánh của người nông dân Việt Nam và cũng là một nét của văn hóa ẩm thực quê hương. Cho dù phần thưởng đối với người thắng cuộc thi này là không nhiều, nhưng phần thưởng về tinh thần có ý nghĩa trên hết, nó thể hiện được nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt.
NGÔ THẮNG

No comments: